Công ty Điện lực Bình Phước đang quản lý, vận hành lưới điện áp từ 110kV trở xuống với tổng chiều dài đường dây cao áp hơn 388km, trung áp 3.794km và 3.732km hạ áp. Do chiều dài đường dây lớn nên công tác quản lý, vận hành đảm bảo an toàn hành lang lưới điện dọc theo đường dây gặp nhiều khó khăn. Nhất là đường dây cao áp đi qua nhiều vườn rẫy, trang trại cao su của người dân và các công ty, doanh nghiệp. Khoảng cách an toàn tối thiểu từ cây trồng khi cây đổ đến lưới điện là 0,7m đối với lưới 22kV và 1m đối với lưới 110kV. Theo quy định này, hiện trên địa bàn tỉnh còn tồn tại hơn 154.400 cây trồng, chủ yếu là cao su, có nguy cơ gãy, đổ, va chạm vào lưới điện, cần được giải tỏa.
Vườn xà cừ của gia đình ông Nguyễn Văn Định ở ấp Núi Gió, xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản có khoảng 50 cây trồng ngay trong hành lang lưới điện 110kV. Cây trồng ngày càng phát triển, cành nhánh vươn cao có thể va chạm vào lưới điện bất cứ lúc nào khi trời mưa gió. Nhiều năm nay, số cây trồng này vẫn chưa được giải tỏa, chặt hạ vì theo ông Định, ngành điện chưa bồi thường cây trồng cho gia đình ông.
Ông Phan Văn Phước, Đội phó Đội quản lý hành lang lưới điện cao thế, Công ty Điện lực Bình Phước cho biết: “Đặc thù của tỉnh là có nhiều cây công nghiệp như cao su nên việc tổ chức phát quang hành lang lưới điện gặp sự phản đối của người dân. Việc chặt tỉa cành, ngọn cây cao su sẽ làm giảm sản lượng mủ của vườn cây. Ngành điện đã nhiều lần liên hệ với chính quyền địa phương để giải quyết những vụ việc vi phạm hành lang lưới điện nhưng còn gặp nhiều khó khăn vì một số hộ dân cố tình không chấp hành”.
Từ đầu năm 2020 đến nay, lưới điện trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 30 sự cố do vi phạm hành lang an toàn. Các sự cố đã làm mất điện 1.384 phút, với tổng sản lượng điện không cung cấp được lên đến hơn 60 ngàn kWh. Ông Đỗ Văn Dương, Phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Phước cho biết, để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và hạn chế các sự cố về điện, công ty đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cả về kỹ thuật lẫn tuyên truyền vận động người dân.
Việc tổ chức kiểm tra lưới điện, trạm biến áp định kỳ cũng giúp kịp thời phát hiện và ngăn chặn những trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Bên cạnh đó, công ty còn phối hợp các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền đến người dân những văn bản pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và biện pháp phòng tránh tai nạn điện; phối hợp chặt chẽ với các thành viên trong hội đồng xử lý vi phạm hành lang lưới điện tại các huyện, thị xã, thành phố và tỉnh để ngăn chặn những hoạt động có khả năng gây sự cố, tai nạn về điện cũng như kiên quyết xử lý hành vi gây sự cố lưới điện, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống, an sinh xã hội.
Nhờ làm tốt tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân đã hiểu, nhận thức được những nguy hiểm về hành vi vi phạm và đồng thuận, phối hợp với ngành điện thực hiện công tác giải tỏa hành lang lưới điện cao áp. Trong những tháng đầu năm 2020, Công ty Điện lực Bình Phước đã tổ chức phát quang được 57km đường dây 110kV, 1.373km đường dây 22kV, 747km đường dây hạ áp và vận động người dân cắt 738 cây cao su vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Vi phạm hành lang an toàn lưới điện không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác vận hành cung cấp điện, hao tổn điện năng mà còn gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng của con người. Để hạn chế những tai nạn về điện đáng tiếc xảy ra, hiện nay ngành điện nỗ lực thực hiện công tác phát quang, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Công tác này rất cần sự hợp tác từ người dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các cấp.
Link gốc